Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi ánh nắng sớm còn chưa kịp rọi hết những góc phố quen thuộc của Sài Gòn, bầu trời đã mang một vẻ ảm đạm lạ thường, như thể chúng cũng cảm nhận được sự đổi thay lớn lao sắp sửa ập đến. Khoảng 8 giờ sáng, tin Tổng thống Dương Văn Minh, người vừa nhậm chức vỏn vẹn chưa đầy 3 ngày, ra lệnh ngưng bắn đơn phương lan đi, mang theo một nỗi bàng hoàng khó tả. Nó không phải là niềm vui của hòa bình mong đợi, mà là sự chấp nhận một định mệnh nghiệt ngã.
Chỉ chừng một tiếng đồng hồ sau đó, chiếc trực thăng cuối cùng của người Mỹ vội vã cất cánh từ nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhứt. Cảnh tượng kinh hoàng, chen lấn, giành giật một chỗ trên chuyến bay di tản đêm hôm trước vẫn còn ám ảnh tâm trí bao người. Hàng trăm, hàng ngàn gương mặt thất thần, tuyệt vọng cố trèo qua bức tường rào sắt, van xin được đi, để rồi nhận lấy sự bỏ lại phũ phàng. Khoảnh khắc chiếc trực thăng ấy khuất dạng trong làn mây xám, cũng là lúc người dân Sài Gòn hiểu rằng một thời kỳ đã thực sự cáo chung, và tương lai bỗng chốc trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.

Đến 11 giờ trưa, trên làn sóng truyền hình quốc gia, giọng nói của ông Dương Văn Minh vang lên, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Tôi kêu gọi anh em chiến sĩ các cấp buông súng”, nhiều người đã bật khóc khi nghe đến đây, nhưng thử hỏi có ai mà không khóc, câu nói ấy không chỉ là một lời tuyên bố, mà nó gieo xuống Sài Gòn như một bản án cuối cùng, một lời cáo chung cho tất cả những gì người ta đã từng tin tưởng, từng chiến đấu bảo vệ. Ngay sau đó, lá cờ nửa xanh nửa đỏ của “quân giải phóng” đã được kéo trên nóc của Dinh Độc Lập. Sài Gòn chính thức thất thủ. Dân chúng bảo nhau, tim Sài Gòn như ngừng đập từ khoảnh khắc ấy.
Những Chính Sách và Biến Động Xã Hội Sau năm 1975
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Những bảng hiệu cũ bị tháo xuống, các biểu tượng có liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa lần lượt biến mất. Chế độ mới bắt đầu siết chặt đời sống xã hội bằng một loạt chính sách mà người dân miền Nam chưa từng quen. Từ các khu phố trung lưu đến những hẻm nhỏ, nỗi lo sợ len lỏi khắp nơi. Chính sách gọi là “xóa bỏ tư sản” khiến nhiều người làm ăn lương thiện bỗng trở thành đối tượng bị nghi ngờ. Các cơ sở thương mại, hãng buôn, tiệm vàng, tiệm may… đều phải kê khai tài sản, nhiều nơi bị niêm phong, tịch thu.
Không khí trong thành phố trở nên nặng nề. Người dân ít ra đường, nói năng nhỏ nhẹ. Cửa tiệm mở cầm chừng, khách mua bán thì nhìn trước ngó sau. Công an mặc thường phục đi lại trong xóm, ai cũng dè chừng. Trên đường, nhiều toán thanh niên đeo khăn đỏ vào từng nhà, lục lọi sách báo, đem ra ngã ba chất đống đốt sạch. Những tập thơ, bức ảnh kỷ niệm, thư từ… đều bị đốt bỏ hoặc vùi xuống đất sau vườn.

Mùng 1 tháng 5, tất cả viên chức, công chức của chánh quyền Việt Nam Cộng hòa được lệnh phải trình diện tại sở làm. Lúc bấy giờ, chưa ai có thể lường hết được những gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Một tương lai bất định, đầy lo lắng.
Đến ngày 4 tháng 5, cái gọi là Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định được thành lập, bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị mới. Những người từng là lãnh đạo, từng điều hành một nền hành chánh văn minh, giờ đây phải đứng xếp hàng dài dằng dặc trước các trụ sở phường khóm nhỏ bé, để “trình diện”, để “học tập” và để chuẩn bị cho những đợt “cải tạo”. Đó là những từ ngữ mới toanh, xuất hiện cùng với chế độ mới. Đến ngày 31 tháng 5 năm 1975, 436.000 người đã ghi danh đi “trình diện”.
Hơn 1 triệu người ở miền Nam được yêu cầu đăng ký. Chỉ riêng tại Sài Gòn, 443.360 người đã đăng ký, bao gồm 28 tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 3.934 đại úy, 35.561 sĩ quan cảnh sát, 1.932 sĩ quan tình báo, 1.469 quan chức cấp cao của chánh phủ, và 9.306 thành viên của các đảng phái chánh trị. Phạm Văn Đồng tuyên bố rằng hơn 200.000 trong số 1 triệu người đăng ký đã bị giam giữ.

Ngày 11 tháng 6 năm 1975, quyết định mở các trại cải tạo được ban hành một cách chính thức. Không có tòa án, không có luật sư, không có bản án rõ ràng. Hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn người – từ quân nhân các cấp, sĩ quan, hạ sĩ quan cho đến trí thức, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, văn nghệ sĩ, nhà báo, rồi cả tu sĩ các tôn giáo, và vô số viên chức hành chánh – bị gom lại, đưa đi biệt tích. Ban đầu, nhiều người đem theo túi xách với ít áo quần, không biết đi mấy hôm hay mấy tháng. Câu “đi vài ngày rồi về” trở thành lời an ủi, nhưng không mấy ai tin chắc. Thực thế, có người đi 3 năm, có người 5 năm, có người kéo dài đến 10 năm trời đằng đẵng trong cảnh lao động khổ sai, thiếu thốn mọi bề, đối mặt với đói rét, bệnh tật và cả sự hành hạ về tinh thần. Và đau lòng nhất là có biết bao nhiêu người đã vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa.
Ngày 11 tháng 9 năm 1975, một chiến dịch lớn bắt đầu tại Sài Gòn và 17 tỉnh miền Nam, dưới danh nghĩa “cải tạo xã hội chủ nghĩa”, nhằm tịch thu tài sản của giới bị gán là “tư sản mại bản” hay có liên hệ với chánh thể Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm bỗng mất sạch mái nhà, sản nghiệp tích cóp cả đời. Họ bị buộc phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, đẩy vào các khu tập thể chật chội, ẩm thấp, sống chen chúc trong thiếu thốn, khổ cực. Hơn 14.000 cơ sở tiểu công nghiệp tại Sài Gòn – nơi từng nuôi sống khoảng 270.000 công nhân – bị đóng cửa. Sự tháo chạy của kinh tế khiến Sài Gòn từng phồn thịnh trở nên đìu hiu, tiêu điều.
Sau đợt đầu năm 1975, chiến dịch tịch thu tiếp tục mở rộng trong các năm 1977 và 1978. Giai đoạn ấy, có đến 600.000 cư dân Sài Gòn bị ép buộc di dời lên những nơi gọi là “vùng kinh tế mới”, nơi rừng thiêng nước độc, không điện, không nước, thiếu lương thực, thuốc men. Khoảng 35.000 lượng vàng bị thu giữ trong thời gian này. Quốc hữu hóa đất đai cũng khiến nông dân miền Nam mất hết ruộng vườn, phải sống nhờ vào tem phiếu, phân phối. Chính sách ấy không chừa một ai – từ người lao động đến thương gia, từ công chức đến chủ tiệm buôn – ai cũng một phen lao đao, khốn đốn. Cả một xã hội bị đảo lộn trong cơn gió lạ từ phương Bắc thổi vào.
“Nhà chúng nó mình ở, con chúng nó mình sai, vợ chúng nó mình xài” – Câu nói nổi tiếng mà nhiều người cho rằng là của Đỗ Mười.
Chưa dừng lại ở những đợt tịch thu tài sản và trục xuất dân cư, ngày 22 tháng 9 năm 1975, chánh quyền cộng sản tiếp tục giáng một đòn chí tử vào đời sống người dân miền Nam bằng lệnh đổi tiền đột ngột, công bố lúc hai giờ sáng. Sáu giờ, khi người dân hay tin, đã thấy từng hàng dài chen chúc trước các ngân hàng trong sự hoảng loạn. Bao nhiêu đồng bạc tiết kiệm suốt bao năm trời – tiền bán nhà, tiền cưới hỏi, tiền để dành dưỡng già – bỗng chốc hóa thành giấy vụn. Tỷ lệ đổi tiền quá chênh lệch: 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi lấy 1 đồng mới. Mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa 100.000 đồng cũ, tương đương 200 đồng mới – một số tiền không đủ sống vài ngày trong cơn vật giá leo thang.
Ngân khố quốc gia cũng bị chiếm đoạt, toàn bộ vàng dự trữ và ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam bị tịch thu. Cơn lạm phát sau đó trở nên trầm trọng, lên đến hơn 700% vào năm 1986. Giá gạo, giá thịt, giá muối tăng từng ngày, trong khi đồng lương thì rớt giá thê thảm. Người già không còn tiền dưỡng thân, người trẻ thất nghiệp, trẻ con đói khát. Cuộc sống người dân rơi vào cảnh chật vật, cơ cực chưa từng thấy. Bao nhiêu gia đình từng sống đủ đầy nay phải xếp hàng nhận từng ký gạo mốc, chai nước mắm pha loãng. Miền Nam ngày nào trù phú, hào hoa, giờ đây chỉ còn lại những đôi mắt thất thần và tiếng thở dài ngao ngán trong các khu phố hoang vắng.
Ngày 30 tháng 10, cái gọi là Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Trên danh nghĩa là một chánh phủ riêng, nhưng thực chất đây chỉ là bước đệm để hợp thức hóa quyền kiểm soát hoàn toàn của chánh quyền Hà Nội tại miền Nam. Đến ngày 2 tháng 2 năm 1976, chánh phủ này chính thức chuyển giao toàn bộ quyền quản lý miền Nam cho Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc một cách lặng lẽ, không kèn không trống, cho đến khi Quốc hội khóa VI họp và quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào tháng 7 năm ấy, hoàn tất việc thống nhất danh xưng và bộ máy cai trị.
Ngày 25 tháng 5 năm 1976, một chỉ thị được ban hành, phác thảo chính sách đối với những người từng làm việc cho chế độ cũ. Thoạt nghe thì có vẻ là một sự khoan hồng, nhưng trên thực tế, phần lớn đó chỉ là một tờ giấy mỏng để trấn an dư luận, để làm yên lòng những người còn ở lại, bởi sau đó, hàng loạt trại cải tạo vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục giam giữ người trái phép, vô thời hạn mà không cần bất kỳ một lý do hay thủ tục pháp lý nào.
Đến năm 1977, một quyết định khác lại ra đời, công khai hóa việc tịch thu nhà đất tại miền Nam, mở rộng phạm vi so với đợt đầu. Tháng 3 năm 1978, đợt tịch thu tài sản lần thứ hai diễn ra và nó kéo dài dai dẳng suốt cả thập niên sau đó. Bi thảm hơn nữa là Chỉ thị 43 ban hành vào tháng 5 cùng năm 1978, đã cướp đi cả đất ruộng của người dân miền Nam – những người mà từ bao đời nay đã gắn bó, sống dựa vào mảnh ruộng, thửa vườn của mình, cũng trong năm này, khoảng 4 triệu tấn lúa được vận chuyển từ Nam ra Bắc – trực tiếp đẩy miền Nam từ vị thế là “vựa lúa” của cả khu vực trở thành một vùng nghèo đói, thiếu gạo để ăn.
Hậu quả của những chính sách sai lầm và việc tập trung hóa, quốc hữu hóa nền kinh tế đã dẫn đến một thảm cảnh lớn lao vào năm 1979. Đất nước chìm trong nạn đói diện rộng do sản lượng nông nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, do cơ chế hợp tác xã cứng nhắc, không khuyến khích sản xuất và do việc đánh tư sản, tịch thu tài sản khiến người dân không còn động lực làm ăn. Cũng trong năm ấy, từng đoàn người Hoa, một cộng đồng vốn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế ở miền Nam, đã phải rời bỏ quê hương. Họ không ra đi vì tìm kiếm tự do như những người khác, mà phần lớn là vì bị xua đuổi, bị kỳ thị. Họ ra đi bằng mọi giá, bằng đường bộ sang Campuchia, Thái Lan, hoặc liều mình lênh đênh trên những con thuyền nhỏ bé trên biển cả.
Thế giới bắt đầu chú ý đến tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Tháng 3 năm 1981, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã công bố một bản báo cáo dài 26 trang, vạch trần một cách chi tiết và trung thực tình cảnh tồi tệ, sự thiếu thốn, đói khát, bệnh tật và sự đối xử vô nhân đạo trong các trại cải tạo. Họ có thể mô tả được những gì nhìn thấy từ bên ngoài và qua lời kể của những người may mắn ra khỏi trại, nhưng có lẽ họ không thể biết hết được những nỗi đau thầm kín bên trong. Họ không biết rằng, người chết trong trại không được chôn cất đàng hoàng, nhiều người chỉ để lại một nắm tóc khô, một miếng vải quấn tên để người thân nhận diện, nếu có.
Đến ngày 14 tháng 9 năm 1985, một lần nữa, dân chúng lại phải ngậm ngùi xếp hàng dài dằng dặc để đổi tiền theo một tỷ lệ mới đầy bất lợi. Lần này, cú sốc còn lớn hơn lần trước. Kẻ có chút của cải tích cóp lại trở thành trắng tay chỉ sau một đêm. Nền kinh tế tiếp tục sa sút. Năm ấy, Việt Nam bị xếp hạng là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, chỉ đứng trên vài quốc gia Châu Phi, cụ thể là nước nghèo thứ 3 trên toàn cầu theo số liệu từ các tổ chức quốc tế thời bấy giờ.
Giữa những năm tháng tối tăm và khó khăn chồng chất đó, từ khoảng năm 1987 đến năm 1997, tình nghĩa đồng bào ruột thịt từ hải ngoại đã trở thành nguồn cứu trợ lớn lao. Đồng bào ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, đã gửi về từng thùng mì gói, từng gói thuốc Tây quý giá, từng lá thư thơm mùi giấy Mỹ, chứa đựng tình thương và sự động viên lớn lao, giúp những người thân ở quê nhà có thể tồn tại qua ngày đoạn tháng, ước tính có khoảng 8 – 15 tỷ Mỹ kim được gửi về Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn này. Nhờ vào sự đóng góp lặng thầm và to lớn này, đặc biệt là từ Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, mà theo số liệu báo chí chánh thống công bố vào năm 1989, Sài Gòn đã đóng góp đến 90% ngân sách quốc gia. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng vực dậy kinh tế phi thường của miền Nam, dù đã trải qua bao biến cố.
Đến năm 1989, sau hơn một thập niên kể từ ngày Sài Gòn thất thủ, bộ mặt thành phố đã đổi khác hoàn toàn. Khoảng 150.000 người từ miền Bắc được đưa vào định cư trong các ngôi nhà từng bị tịch thu từ tay người dân miền Nam. Những căn biệt thự xưa kia thuộc về giới trí thức, thương nhân, công chức cao cấp, giờ đây đã có chủ mới – những người không hề có mối liên hệ nào với thành phố này. Cảnh cũ người xưa không còn, hàng phố mang dáng dấp một nền văn minh phương Nam dần bị thay thế bởi sự hiện diện xa lạ, thô ráp và khép kín.
Tuy vậy, vào tháng 9 năm 1989, trong một nỗ lực vá víu muộn màng, một số ít những ngôi nhà bị tịch thu bắt đầu được xem xét trả lại cho chủ cũ. Dù con số ấy quá nhỏ bé so với hàng vạn căn nhà đã đổi chủ, nhưng cũng đủ để thắp lên một tia hy vọng trong lòng những người từng mất trắng. Song, cái được trả lại chỉ là phần vỏ. Những năm tháng đọa đày, khốn khó, mất mát về vật chất lẫn tinh thần mà người dân miền Nam đã trải qua, không gì có thể bù đắp. Vết thương trong lòng một dân tộc từng sống trong no ấm, văn minh và tự do, khi bị bứng gốc, cướp sạch, rồi bị ép phải im lặng trước bất công, sẽ mãi mãi không lành – cho dẫu thời gian có trôi thêm bao nhiêu năm nữa.
Mãi đến năm 1993, sau hơn một thập niên dài đằng đẵng ngụp lặn trong hệ quả của các chính sách cải tạo, quốc hữu hóa và mô hình kinh tế tập trung bao cấp đầy sai lầm, nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu hé lộ dấu hiệu phục hồi. Nhờ chính sách gọi là “đổi mới” — nhưng thực chất là “đổi cũ” — chế độ cộng sản đã đưa dân miền Nam đi một vòng luẩn quẩn: từ kinh tế thị trường sang xã hội chủ nghĩa, rồi rốt cuộc lại quay về con đường cũ mà họ từng phủ nhận.

Xen kẽ giữa các sự kiện kinh hoàng của trại cải tạo, đổi tiền và đánh “tư sản mại bản”, một làn sóng tháo chạy chưa từng có trong lịch sử dân tộc đã bắt đầu. Ban đầu là những đợt di tản vội vã bằng phi cơ, tàu chiến, rồi đến những năm sau, từng đoàn người lặng lẽ ra đi bằng đường biển – trong cảnh tối trời, trong cơn tuyệt vọng, và trong lời thì thầm nghẹn ngào của những kẻ bỏ xứ. Họ là thường dân, là cựu quân nhân, là trí thức, là tiểu thương, là học sinh sinh viên, là đàn ông, đàn bà, trẻ con – tất cả chỉ có một điểm chung: họ không thể sống nổi trong một đất nước mà mọi quyền tự do lẫn nhân phẩm đều bị bóp nghẹt.
“Cây cột điện mà biết đi, chắc nó cũng vượt biên.” – Câu nói nổi tiếng trong thời kỳ người Việt vượt biên.
Hàng trăm nghìn người đã lên ghe, xuôi về phía biển với hy vọng tìm đến một bến bờ nhân đạo. Nhưng biển không bao giờ là người bạn hiền lành. Những con sóng dữ, bão tố, nạn hải tặc Thái Lan, đói khát, bệnh tật và sự tuyệt vọng đã giết chết không biết bao nhiêu sinh linh. Những chiếc ghe gỗ cũ kỹ, chở gấp ba, gấp bốn sức chứa, đã biến thành nấm mồ tập thể giữa đại dương. Có những chiếc rời bến không bao giờ cập bờ. Có những em bé sinh ra trên biển, chưa kịp cất tiếng khóc trọn vẹn thì đã bị ném xuống sóng vì không còn ai đủ sức bồng bế. Đó là một bi kịch lớn, âm thầm và kéo dài suốt hai thập niên.
“Thấy nhỏ nhoi và thấy mênh mông
Thấy một ngày đằng đẵng trăm năm
Ko thấy tới, thấy còn trôi mãi
Nhưng thấy tự do ở rất gần“
— nhà thơ Nguyên Nghĩa
“Con bế trên tay gào khản giọng
Lời cầu kinh chìm tiếng sóng muôn trùng
Đêm hãi hùng trên biển cả mênh mông
Người vẫn bám lấy niềm tin đến bến”
— khuyết danh


Tính đến cuối năm 1978, đã có khoảng 62.000 người Việt tị nạn tại các quốc gia Đông Nam Á – gồm Thái Lan, Hương Cảng, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân… con số này còn tiếp tục tăng cao vào những năm sau đó, đặc biệt là trong nhóm người gốc Hoa bị kỳ thị tại Việt Nam sau vụ xung đột biên giới. Trước áp lực ngày càng lớn từ làn sóng thuyền nhân, cộng đồng quốc tế – dưới sự điều phối của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) – đã đưa ra Chương trình Hành động Toàn diện (Comprehensive Plan of Action – CPA) vào năm 1989, nhằm giải quyết có trật tự cho người Việt tị nạn và kết thúc thời kỳ trại tị nạn kéo dài. CPA chánh thức chấm dứt vào ngày 30 tháng 6 năm 1996 tại các nước Đông Nam Á, và đến ngày 30 tháng 6 năm 1997 tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, cho đến cuối thập niên 1990, vẫn còn hàng chục ngàn người Việt sống trong các trại tị nạn – phần đông là những người không được chấp nhận tái định cư và bị buộc phải hồi hương. Vào năm 1999, hành trình lưu lạc khép lại, nhưng nỗi đau không bao giờ hết. Theo số liệu từ UNHCR, từ năm 1975 đến năm 2005, có gần 3 triệu người Việt đã rời khỏi đất nước và tái định cư tại 126 quốc gia – một con số cho thấy mức độ tan tác và ly hương của dân tộc sau ngày mất nước.
Năm 2009, tại Westminster – thành phố thuộc tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản đông đảo nhất – một Đài Tưởng niệm Thuyền nhân Việt Nam đã được dựng lên. Nó không chỉ ghi khắc những con người đã bỏ mình dưới đáy biển sâu, mà còn là vết tích của một thời kỳ đẫm máu và nước mắt – thời mà người miền Nam bị xua đuổi ra biển, thời mà tự do phải trả bằng cái chết. Và cũng chính nơi ấy, người Việt hải ngoại vẫn hằng năm thắp hương, cúi đầu và nhắc lại hai tiếng Việt Nam – không phải là một danh xưng hiện tại, mà là lời nguyện cầu cho một ngày mai đất nước sẽ lại tự do.