Ngày 11 tháng 4 năm 1945, giữa trận hải chiến Okinawa khốc liệt, một phi công Nhật Bản điều khiển chiến đấu cơ Zero lao vào chiến hạm USS Missouri của Hải quân Hoa Kỳ, tạo thành một quả cầu lửa dữ dội. Phi công thiệt mạng ngay lập tức, song toàn bộ thủy thủ đoàn trên chiến hạm may mắn không bị thương tích nặng.
Điều khiến sự việc trở nên khác thường là quyết định sau đó của Hạm trưởng William Callaghan: ông ra lệnh cử hành lễ tang quân sự với đầy đủ nghi thức dành cho phi công đối phương – một việc hiếm thấy trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Người phi công vô danh kia được thủy táng như thể ông là một thuỷ thủ của chính Hải quân Hoa Kỳ.
Tám mươi năm sau, chiến hạm Missouri nay đã trở thành một viện bảo tàng nằm tại Trân Châu Cảng, quần đảo Hawaii – không xa xác tàu USS Arizona bị đánh chìm trong cuộc oanh tạc của Nhật Bản năm 1941, sự kiện đã kéo Hoa Kỳ bước vào Thế chiến thứ hai. Vào ngày thứ Sáu vừa qua, ba người cháu nội của Hạm trưởng Callaghan đã cùng các thị trưởng của Honolulu và thành phố Nam Cửu Châu (Minamikyushu) – nơi nhiều phi công cảm tử Nhật xuất phát – tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện lịch sử này.
“Đây là một trong những câu chuyện lớn lao của chiến hạm, giải thích vì sao chỉ trong vòng hai năm sau khi được hạ thủy, Missouri đã trở thành biểu tượng quốc tế của hòa bình và sự hòa giải, chứ không chỉ đơn thuần là công cụ chiến tranh,” ông Michael Carr, Giám đốc điều hành Viện Bảo Tàng Chiến Hạm Missouri, phát biểu.
Phi công cảm tử là gì?
Về cuối cuộc chiến, trong tình thế tuyệt vọng, Đế quốc Nhật Bản phát động chiến dịch tấn công cảm tử nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Hoa Kỳ. Hải quân Nhật thành lập đơn vị Kamikaze Tokko Tai (Thần Phong Đặc Công Đội), sau đó Lục quân cũng lập đơn vị tương tự.
Những phi công này điều khiển các loại phi cơ chắp vá – thậm chí cả phi cơ huấn luyện – xuất phát trong những chuyến bay một chiều, chỉ đủ nhiên liệu để đến mục tiêu. Mục tiêu là lao thẳng vào tàu chiến đối phương, gây thiệt hại tối đa.
Lần đầu tiên chiến thuật này thành công là vào ngày 25 tháng 10 năm 1944, khi một phi công Zero đánh chìm chiến hạm USS St. Lo tại vùng biển Phi Luật Tân. Bảo Tàng Chiến Tranh Đế Quốc Anh ước tính, các phi công cảm tử đã khiến khoảng 7.000 quân nhân Đồng Minh thiệt mạng.
Dù lúc đầu có tỷ lệ thành công khoảng 30%, đến giữa năm 1945 con số này giảm xuống chỉ còn 8% do kỹ năng phi công giảm sút và hệ thống phòng thủ Hoa Kỳ được cải thiện. Ước tính khoảng 4.000 phi công Nhật tử trận trong các phi vụ cảm tử, phần lớn là sinh viên đại học bị cưỡng bách nhập ngũ từ cuối năm 1943.
Thành phố trà Chiran – nay thuộc Nam Cửu Châu, đảo Nam Kyushu – là nơi xuất phát của phần đông các phi công này. Dù thường được khắc họa là những người cuồng tín ái quốc, nhiều phi công thực tế chỉ là nạn nhân của cuộc chiến, thể hiện qua những bức thư cuối đời đầy đau đớn gửi về cho gia đình.
“Các phi công ấy chỉ mới hai mươi tuổi, còn cả tương lai phía trước. Tôi tin họ không muốn chết, nhưng vẫn buộc phải ra đi. Đó chính là bi kịch của chiến tranh,” ông Hiroyuki Nuriki – thị trưởng Nam Cửu Châu – nói.
Chuyện gì xảy ra khi phi cơ đâm vào Missouri?
Trong ngày hôm ấy, chiến hạm Missouri đã bắn rơi một phi cơ cảm tử. Nhưng chiếc thứ hai, bị trúng đạn pháo 5 inch, vẫn kịp lao đến cách mặt biển chỉ khoảng 6 thước rồi đâm vào mạn phải của tàu.
Cánh phải của chiếc Zero văng lên boong tàu, nhiên liệu phát hỏa, tạo thành đám khói dày đặc. Lửa được khống chế trong vòng năm phút. Đến nay, vết lõm do cú đâm vẫn còn hiện diện trên thân tàu Missouri như một chứng tích của ngày hôm đó.
Thi thể phi công được an táng ra sao?
Sáng hôm sau, theo lệnh Hạm trưởng Callaghan, thủy thủ đoàn khâu tạm một lá cờ “Mặt Trời Mọc” bằng vải trắng đỏ để phủ lên thi thể phi công. Thi thể được tắm rửa, bọc bằng vải bố, đặt trên khay dưới lá cờ.
Lính Thủy Quân Lục Chiến bắn ba phát súng chào tiễn biệt, kèn trumpet vang lên khúc nhạc “Taps”, linh mục đọc lời cầu nguyện và tuyên bố: “Xin trao thân xác người này về lòng biển cả.” Khay được nghiêng và thi thể từ từ trôi xuống làn nước sâu.
Đây là lễ tang quân sự duy nhất trong Đệ Nhị Thế Chiến dành cho một phi công cảm tử Nhật Bản.
Nhiều thủy thủ lúc đầu bất bình với quyết định ấy, nhưng theo thời gian họ nhận ra rằng đó là hành động đúng đắn.
Ông Carey Callaghan – cháu nội Hạm trưởng – cho biết, gia đình chỉ biết đến sự việc này vào năm 2001, vì ông nội chưa từng kể lại. Dẫu cho ba năm trước ông đã mất người em trai – Chuẩn Đô Đốc Daniel Callaghan – vì đạn Nhật tại Guadalcanal, ông vẫn chọn thể hiện lòng trắc ẩn và nhân đạo trong thời khắc lịch sử ấy.
Danh tánh phi công là ai?
Các nhà nghiên cứu tin rằng người phi công hôm đó là Setsuo Ishino, một hạ sĩ thuộc chương trình huấn luyện phi công của Hải quân Nhật. Ông xuất phát từ căn cứ Kanoya cùng 15 phi công khác thuộc Phi Đội Kenmu số 5 – đa phần đều không trúng mục tiêu và rơi xuống biển.
Trong thư tuyệt mệnh gửi mẹ, Ishino viết:
“Mẹ kính yêu, thời khắc nở hoa của con cuối cùng cũng đến. Con ra đi hoàn thành nghĩa vụ sau cùng với nụ cười. Xin mẹ đừng nói gì cả, đây là vì quốc gia. Ngày gặp lại, mình sẽ cùng đứng dưới hàng hoa anh đào nở rộ nơi đền Yasukuni. Xin mẹ đừng khóc, hãy chỉ mỉm cười và bảo con ‘Con đã làm tốt lắm.’”
Năm 2016, Tổng thống Barack Obama khi đến Trân Châu Cảng cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc đến lễ tang này như một minh chứng rằng: “Ngay cả trong hận thù rực cháy nhất, con người vẫn có thể chống lại sự cám dỗ của lòng căm ghét và biết cảm thông với kẻ khác.”
Từ sau hành động của Hạm trưởng Callaghan, viện bảo tàng Missouri và Bảo tàng Hòa bình Chiran – nơi trưng bày hiện vật của các phi công đặc công – đã thiết lập quan hệ hợp tác, cùng nhau lưu giữ ký ức và truyền đạt thông điệp hòa bình cho hậu thế.
Thị trưởng Nuriki kết luận:
“Chúng ta chia sẻ lịch sử giữa hai cựu thù nay đã trở thành bằng hữu. Câu chuyện này phải được nhắc lại, để nhắc nhở chúng ta mãi mãi giữ gìn hòa bình.”
© The Associated Press