Vòng đàm phán kế tiếp giữa Hoa Kỳ và Ba Tư (Iran) nhằm giải quyết bế tắc hạt nhân kéo dài suốt hơn một thập niên dự trù sẽ diễn ra vào Thứ Bảy tuần này tại La Mã (Rome), sau khi có ít nhiều nhầm lẫn trước đó về địa điểm tổ chức.
Ngoại trưởng Ba Tư, ông Abbas Araghchi, đã xác nhận nơi đàm phán trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc doanh Press TV hôm Thứ Tư, và cho biết rằng vương quốc Oman sẽ tiếp tục làm trung gian cho cuộc thương thuyết. Trước đó, vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên đã diễn ra tại thủ đô Muscat, nơi nhà ngoại giao Oman – ông Badr al-Busaidi – đứng ra chuyển đạt thông điệp giữa hai phái đoàn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Tư lúc đầu loan báo với thông tấn xã IRNA rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tại Muscat, nhưng sau đó Press TV loan báo địa điểm đã được dời về La Mã.
Dù đôi bên cùng mô tả vòng đàm phán đầu tiên là “xây dựng”, nhưng căng thẳng nhanh chóng tái phát quanh vấn đề Ba Tư có nên tiếp tục làm giàu uranium tới cấp độ vũ khí hay không.
Mâu thuẫn nổ ra sau một loạt tuyên bố cứng rắn từ ông Steve Witkoff – đặc sứ Trung Đông của Tổng thống Donald Trump – cho biết Hoa Kỳ hiện nay không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu Ba Tư không triệt để từ bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu và chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Một thỏa thuận chỉ có thể thành hình nếu đó là một thỏa thuận mang dấu ấn Trump,” ông Witkoff viết hôm Thứ Ba trên nền tảng X (trước kia là Twitter). “Bất kỳ dàn xếp chung cuộc nào cũng phải đặt nền móng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Trung Đông – nghĩa là Ba Tư phải dừng và xóa bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu và chế tạo hạt nhân.”
Lập trường ấy đánh dấu sự chuyển biến so với hôm trước đó, khi ông Witkoff nói trên đài Fox News rằng mục tiêu đàm phán là giới hạn mức tinh luyện uranium của Ba Tư ở mức 3,67 phần trăm – tức phù hợp với mục đích dân sự, như trong hiệp ước hạt nhân năm 2015 mà chánh quyền Trump đã rút ra hồi năm 2018, viện dẫn lý do thiếu tính ràng buộc và hiệu quả.
Hôm Thứ Tư, Ngoại trưởng Araghchi bác bỏ bất kỳ nhượng bộ nào về vấn đề làm giàu uranium.
“Chương trình làm giàu của Ba Tư là điều chính đáng và thực chất. Chúng tôi sẵn lòng xây dựng lòng tin để giải tỏa những lo ngại, nhưng chuyện làm giàu không thể đem ra thương lượng,” ông tuyên bố với giới báo chí sau một phiên họp nội các.
Ông Araghchi cũng nói thêm rằng ông trông đợi phía Hoa Kỳ “làm rõ lập trường thực sự tại bàn thương thuyết.”
Trước khi đến La Mã, ông Araghchi đã có chuyến đi sang Mạc Tư Khoa để trao tận tay Tổng thống Nga Vladimir Putin một thông điệp viết tay từ lãnh tụ tối cao của Ba Tư, Ayatollah Ali Khamenei. Nga – quốc gia hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới – từ sau chiến tranh Ukraine đã ngày càng xiết chặt liên minh quân sự và kinh tế với Ba Tư.
Điện Cẩm Linh (Kremlin), mà phía Tehran gọi là “đối tác chiến lược,” hồi tháng trước từng lên tiếng kêu gọi kiềm chế sau khi ông Trump đưa ra cảnh báo có thể dùng biện pháp quân sự nếu Ba Tư không hợp tác trên mặt trận ngoại giao.
“Nếu [người Ba Tư] không chịu ký thỏa thuận, sẽ có oanh tạc,” ông Trump tuyên bố trong một cuộc điện đàm với NBC News hôm 30 tháng Ba. “Oanh tạc kiểu mà họ chưa từng thấy. Nếu họ không đồng ý, tôi có thể áp đặt thuế quan trừng phạt lần hai giống như bốn năm trước.”
Năm 2018, Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước năm 2015 vốn đã đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt với chương trình hạt nhân của Ba Tư để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận. Động thái ấy nằm trong chiến lược “áp lực tối đa” của ông, nhằm cắt đường Ba Tư tiếp cận vũ khí hạt nhân và làm suy yếu nguồn tài trợ cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah, Hamas, Houthis, Taliban và al-Qaeda.
Đến tháng Hai năm nay, ông Trump ký một bản ghi nhớ tổng thống nhằm chánh thức tái khởi động chiến lược “áp lực tối đa.” Văn kiện ấy giao cho Bộ Tài chánh và Bộ Ngoại giao nhiệm vụ “kéo sản lượng xuất khẩu dầu thô của Ba Tư xuống con số không”, bao gồm cả các chuyến hàng sang Trung Quốc. Đồng thời cũng yêu cầu ngăn chặn việc Ba Tư lợi dụng hệ thống tài chánh của Iraq để né tránh cấm vận, và ngăn các quốc gia vùng Vịnh trở thành điểm trung chuyển dầu mỏ cho Ba Tư.
© The Epoch Times