28/04/2025
DONATE

Rubio và Witkoff Thảo Luận Cuộc Xung Đột Ukraine Với Các Đồng Minh Âu Châu Tại Ba Lê

BA LÊ, PHÁP QUỐC — Ngoại trưởng Marco Rubio cùng với Đặc sứ Hoa Kỳ tại Trung Đông – ông Steve Witkoff – đã có mặt tại Ba Lê hôm nay để tham dự cuộc hội đàm về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Hai ông là những người đang dẫn đầu nỗ lực của chính quyền Trump nhằm dàn xếp một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm.

Phái đoàn Ukraine do ông Andrii Yermak – cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy – dẫn đầu, cùng với Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, cũng đã có mặt tại thủ đô Pháp quốc. Ông Yermak cho biết sẽ có “một loạt các cuộc họp song phương và đa phương với đại diện của các quốc gia trong liên minh tự nguyện – những nước sẵn sàng bảo đảm an ninh.”

Dù Hoa Kỳ đang cố gắng đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngưng bắn và một hiệp định hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine, nhưng các nỗ lực của Tòa Bạch Ốc hiện nay vẫn chưa đạt kết quả đáng kể. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư phát đi tuyên bố, cho biết các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quyền lợi chung trong khu vực.

Ngoại trưởng Vương quốc Anh – ông David Lammy – cùng hai đại diện cấp cao của chính phủ Đức cũng tham dự vòng đàm phán lần này. Ông Rubio và ông Witkoff còn có lịch làm việc riêng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và sau đó sẽ thảo luận cùng Ngoại trưởng Jean-Noël Barrot.

Được biết, nhiều vòng đàm phán trước đó đã diễn ra tại Ả Rập Xê Út, và ông Witkoff từng hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Saint Petersburg hôm 11 tháng Tư vừa qua.

Trong tháng rồi, Mạc Tư Khoa và Kyiv đã đồng ý tạm ngưng tấn công các cơ sở năng lượng trong 30 ngày. Tuy nhiên, cả hai bên đều cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận gần như mỗi ngày. Nga tuyên bố rằng bất kỳ lệnh ngưng bắn nào cũng phải kèm điều kiện Ukraina ngưng nhận vũ khí từ các nước đồng minh NATO – điều mà Kyiv đã thẳng thừng từ chối.

Các cuộc thương thuyết diễn ra trong lúc cả Nga lẫn Ukraine đồng loạt tố cáo bị máy bay không người lái tấn công trong đêm qua, ngay sau vụ tấn công gây tranh cãi của Nga vào đúng ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Chính quyền Ukraine cho hay có ít nhất 34 người thiệt mạng khi Nga bắn hỏa tiễn vào thị trấn Sumy ở miền đông bắc Ukraine – đây được xem là vụ tấn công đơn lẻ lớn nhất của Nga trong năm nay. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – tuyên bố rằng các cuộc không kích của Nga “chỉ nhằm vào những mục tiêu quân sự và bán quân sự.”

Tổng thống Trump hôm Chủ Nhật cũng phát biểu trước ký giả rằng, “Tôi chỉ muốn chấm dứt chuyện này để cứu lấy sinh mạng cho thật nhiều người.”

Cùng lúc đó, Bộ Quốc Phòng Nga loan báo hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 71 phi cơ không người lái của Ukraine trong đêm, trải dài trên sáu vùng lãnh thổ. Riêng tại tỉnh Kursk, họ cho biết đã triệt hạ 49 chiếc; số còn lại bị chặn tại Bryansk, Ryazan, Oryol, Vladimir và Tula. Chính quyền địa phương tại tỉnh Ivanovo – nằm phía đông thủ đô Mạc Tư Khoa – cũng báo cáo rằng thị trấn Shuya bị tập kích, tuy nhiên không có thương vong. Mọi cáo buộc từ cả hai phía hiện vẫn chưa thể được kiểm chứng độc lập.

Tuần trước, đại diện của Pháp, Anh cùng hơn 20 vị Bộ trưởng Quốc phòng từ các nước Âu Châu trong “liên minh tự nguyện” đã nhóm họp tại trụ sở NATO ở Bruxelles để bàn bạc việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại hoặc gần lãnh thổ Ukraine, nếu có thỏa thuận ngưng chiến. Tuy nhiên, các nước Âu Châu hiện đang đòi hỏi sự bảo đảm an ninh từ phía Hoa Kỳ trong trường hợp điều động binh sĩ – điều mà ông Trump vẫn từ chối.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang thương lượng một thỏa thuận với ông Zelenskyy để Hoa Kỳ có thể cùng chia sẻ lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản quý hiếm tại Ukraine.

Trở lại thời điểm khởi phát chiến tranh: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm 2022 với mục tiêu lật đổ chính quyền Zelenskyy và ngăn cản nỗ lực Kyiv gia nhập NATO – một liên minh mà Mạc Tư Khoa luôn xem là mối đe dọa.

Vào tháng Mười Hai năm 2021, Nga đã gửi tối hậu thư đến Hoa Thịnh Đốn cùng các đồng minh NATO, yêu cầu rằng Ukraine không bao giờ được gia nhập liên minh này – như điều kiện tiên quyết để tránh chiến tranh.

Ngoài vai trò trong cuộc đàm phán Ukraine, ông Witkoff cũng đang tham gia nỗ lực trung gian với Tehran, nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran – điều mà chính quyền Tehran vẫn một mực phủ nhận.

Sau cuộc họp tại Ba Lê, ông Witkoff sẽ sang La Mã vào thứ Bảy để tham dự vòng thương lượng kế tiếp với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Hai bên đã có cuộc gặp đầu tiên kéo dài 45 phút vào tuần trước tại xứ Oman.

© Tổng hợp từ The Epoch Times, The Associated Press, Reuters

Chia Sẻ: