ĐẠI PHẢN, NHẬT BẢN – Trong buổi lễ khai mạc mang đậm màu sắc tương lai nhưng vẫn thấm đượm truyền thống vào hôm thứ Bảy vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã lên tiếng cảnh báo về một thế giới đang bị chia rẽ và kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia.
Triển Lãm Quốc Tế – còn được gọi là Hội chợ Thế Giới – sẽ mở cửa cho công chúng bắt đầu từ Chủ Nhật, kéo dài suốt sáu tháng, diễn ra trên một khu vực rộng lớn bên bờ biển của thành phố Đại Phản (Osaka), quy tụ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
“Sau khi vượt qua trận đại dịch Covid, thế giới lại đang phải đối diện với muôn vàn khủng hoảng từ sự chia rẽ,” Thủ tướng Ishiba phát biểu tại buổi lễ.
“Việc con người khắp năm châu tụ hội về đây để cùng suy nghiệm về ý nghĩa sinh mệnh trong thời đại này, qua lăng kính của công nghệ tối tân và các nền văn hoá đa dạng, là điều vô cùng trọng yếu,” ông nói thêm.
Triển LãmQuốc Tế, từng mang đến cho Paris tháp Eiffel và khởi đầu từ cuộc triển lãm tại Cung Pha Lê ở Luân Đôn năm 1851, hiện tổ chức năm năm một lần ở nhiều nơi trên thế giới.
Tâm điểm của triển mãm là “Vòng Tròn Lớn” – một kiến trúc bằng gỗ được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là lớn nhất thế giới. Vòng tròn này bao quanh các gian hàng quốc gia, được thiết kế với hình dáng lưới đan bằng các thanh gỗ, cao tới 20 mét và có chu vi hai cây số. Kiến trúc sư Sou Fujimoto, người đứng sau công trình này, gọi đây là biểu tượng của sự thống nhất.
Buổi lễ khai mạc có sự hiện diện của hoàng gia Nhật Bản và nhiều quan khách quốc tế. Những hình ảnh rực rỡ biểu trưng cho sự sống, sinh nở và thiên nhiên được trình chiếu trên màn hình khổng lồ. Buổi lễ cũng đan xen giữa kỹ thuật tân tiến – như người dẫn chương trình “ảo” sử dụng trí tuệ nhân tạo – và truyền thống, với màn múa kabuki và tiếng trống taiko vang vọng.
Thiên hoàng Lệnh Hoà bày tỏ hy vọng rằng Expo 2025 sẽ là dịp để nhân loại cùng học cách trân trọng sinh mệnh – không chỉ của mình mà cả của tha nhân.
Một vụ báo động giả đã làm náo loạn phi trường Kyoto vài giờ trước buổi lễ, khi một hộp khả nghi được phát hiện. Đội gỡ bom lập tức được điều đến, khiến nhiều chuyến tàu bị trì hoãn. Tuy nhiên, sau cùng hộp chỉ chứa “kẹo ngoại nhập”, theo truyền thông Nhật Bản.
Lần gần nhất Đại Phản đăng cai Triển Lãm là vào năm 1970 – thời điểm Nhật Bản đang hưng thịnh và kỹ nghệ nước này được ngưỡng mộ khắp thế giới. Triển lãm khi ấy thu hút 64 triệu khách tham quan – một kỷ lục kéo dài đến tận Thượng Hải năm 2010.
Dẫu vậy, mô hình triển lãm vẫn bị chỉ trích là mang tính tạm thời. Sau khi kết thúc vào tháng Mười, đảo nhân tạo nơi tổ chức Expo sẽ bị giải toả để nhường chỗ cho một khu sòng bạc. Chỉ khoảng 12,5% vật liệu từ “Vòng Tròn Lớn” sẽ được tái sử dụng, theo báo chí Nhật.
Thăm dò dư luận cho thấy phần lớn công chúng không mấy mặn mà với triển lãm. Tính đến nay, mới chỉ bán được 8,7 triệu vé, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu bán trước 14 triệu vé.
Trong khi đó, ngành du lịch Nhật Bản đang trải qua một cơn sốt kỷ lục, khiến giá phòng nghỉ tại Đại Phản – gần các địa danh hút khách như cố đô Kyoto và công viên giải trí Universal Studios – tăng vọt và luôn trong tình trạng kín chỗ.
Những điều cần biết về Expo 2025
- Vòng Tròn Lớn:
Tác phẩm của kiến trúc sư Sou Fujimoto, trị giá 34,4 tỷ yên, được làm hoàn toàn bằng gỗ, tượng trưng cho sự gắn kết toàn cầu. Ban đầu dự định tái sử dụng 25% vật liệu, nhưng hiện chỉ còn giữ được 12,5%. - Linh vật kỳ bí:
Myaku-Myaku – một sinh vật đỏ-xanh có năm con mắt lồi quanh miệng và một mắt trên đuôi – được mô tả là “sinh vật huyền bí kết hợp từ tế bào và nước”. Ban đầu gây hoang mang, nhưng nay rất được yêu thích trên mạng xã hội Nhật. - Vé bán chậm:
Dù kỳ vọng bán 23 triệu vé, nhưng đến tuần rồi mới đạt 8,7 triệu. Ban tổ chức nay cho phép mua vé trong ngày để khuyến khích thêm người tham quan. - Thiên thạch và trái tim nhân tạo:
Gian hàng Nhật Bản sẽ trưng bày thiên thạch từ Hỏa tinh tìm thấy ở Nam Cực, lần đầu tiên ra mắt công chúng. Khách tham quan còn có thể xem robot, trình diễn drone, và một “trái tim” được nuôi từ tế bào gốc. - Thông điệp hoà bình từ Ukraine:
Dù Nga không tham gia vì chiến sự, Ukraine vẫn hiện diện với các vật phẩm như nón bảo hộ dùng trong việc phục hồi cơ sở điện bị tàn phá. Thống đốc Đại Phản cho rằng điều này “truyền tải thông điệp hoà bình”.