WASHINGTON — Rạng sáng ngày 5/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua khung ngân sách nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, sau một phiên họp kéo dài suốt đêm.
Theo quy trình hòa giải ngân sách (reconciliation), toàn bộ các sửa đổi phải được xem xét, dẫn đến các phiên bỏ phiếu kéo dài đến tận đêm khuya, thường được gọi là “vote-a-rama”.
Phiên bỏ phiếu lần này bắt đầu từ tối ngày 4/4 và kéo dài đến sáng sớm hôm sau. Nghị quyết cuối cùng được thông qua với tỷ lệ 51–48, gần như theo đường lối đảng phái. Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa – Susan Collins (bang Maine) và Rand Paul (bang Kentucky) – bỏ phiếu chống.
Trong đêm, nhiều sửa đổi do phe Dân chủ đề xuất nhằm giới hạn chính sách thuế quan của Trump, kiểm soát thâm hụt ngân sách liên bang, và hạn chế cắt giảm thuế cho người giàu đã bị bác bỏ.
Với việc được Thượng viện thông qua, khung ngân sách này – kết quả của nhiều tuần đàm phán giữa lưỡng viện – sẽ được chuyển sang Hạ viện xem xét. Cả hai viện phải phê chuẩn bản khung giống hệt nhau để bước sang giai đoạn kế tiếp của quy trình hòa giải.
Tuy nhiên, triển vọng thông qua tại Hạ viện đang gặp khó khăn. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hoà–Louisiana) đang phải điều hành một khối nghị sĩ Cộng hòa mỏng manh và chia rẽ về mặt tư tưởng.
Nội dung chính
Khung ngân sách do Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Lindsey Graham (Cộng Hoà–South Carolina) công bố ngày 2/4, bao gồm các chính sách thuế, phân bổ ngân sách liên bang cho quốc phòng, an ninh biên giới, và cắt giảm chi tiêu.
Tâm điểm của dự luật là việc làm cho các khoản giảm thuế thu nhập trong Đạo luật Cắt giảm Thuế năm 2017 trở thành vĩnh viễn – trong khi theo quy tắc Byrd, bất kỳ chính sách nào làm tăng thâm hụt sau 10 năm sẽ không được phép vĩnh viễn hóa trong hòa giải ngân sách.
Để vượt qua quy tắc này, ông Graham đã dùng quyền hạn của mình để lấy “chính sách hiện hành” làm chuẩn tính toán – cách làm gây tranh cãi và có thể bị phản đối bởi chuyên gia lập pháp của Thượng viện.
Ngoài ra, dự luật chỉ đạo Thượng viện phân bổ 150 tỷ USD cho quốc phòng, trong khi Hạ viện là 100 tỷ USD. Cho an ninh nội địa, Thượng viện được yêu cầu phân bổ 175 tỷ USD, còn Hạ viện là 90 tỷ USD. Ông Graham cho biết khoản này sẽ dùng để ngăn chặn fentanyl, hoàn thiện bức tường biên giới, và mở rộng chỗ giam giữ người bị trục xuất.
Thượng viện cũng phải tìm cách cắt giảm 4 nghìn tỷ USD chi tiêu, trong khi con số ở Hạ viện là 1,5 nghìn tỷ – nhưng dự kiến sẽ được nâng lên ít nhất 2 nghìn tỷ khi dự luật được chỉnh sửa.
Vấn đề Medicaid
Một điểm gây chia rẽ lớn là đề xuất cắt giảm 880 tỷ USD – gần như chắc chắn ảnh hưởng đến chương trình Medicaid. Đây là tâm điểm phản đối từ phe Dân chủ và cả một số nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ–New York) cảnh báo nghị quyết sẽ “tàn phá Medicaid”. Một số nghị sĩ thuộc các tiểu bang như New York, California cũng lo ngại điều này có thể là “tự sát chính trị”.
Dù đồng ý thông qua bản dự thảo ban đầu, các nghị sĩ này đã cảnh báo sẽ không ủng hộ cắt giảm sâu trong giai đoạn cuối.
Trần nợ công
Một điều khoản khác gây tranh cãi là việc nâng trần nợ – mức vay tối đa của chính phủ liên bang. Nghị quyết yêu cầu Hạ viện nâng trần nợ thêm 4 nghìn tỷ USD, và cho phép Thượng viện tăng đến 5 nghìn tỷ USD.
Mặc dù điều này không gây trở ngại lớn ở Thượng viện (chỉ bị Rand Paul phản đối), nhưng tại Hạ viện, mức tăng này vấp phải phản đối gay gắt từ phe bảo thủ. Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hoà–South Carolina) tuyên bố dự luật “chết từ trong trứng” nếu không điều chỉnh con số này.
Bước tiếp theo
Để khởi động toàn bộ quy trình hòa giải, cả Thượng viện và Hạ viện phải thông qua một bản khung giống nhau. Với tỷ lệ 220 ghế Cộng hòa và 213 ghế Dân chủ, đảng Cộng hòa chỉ được phép mất tối đa ba phiếu để thông qua nghị quyết.
Nếu vượt qua được rào cản tại Hạ viện, nghị quyết sẽ chuyển đến các ủy ban để soạn thảo chi tiết thành luật. Văn bản cuối cùng phải giống hệt ở cả hai viện trước khi trình lên Tổng thống Trump ký ban hành.
Theo The Epoch TImes, Reuters, AP