ĐẠI PHẢN (OSAKA) — Một khối thiên thạch đến từ Hỏa tinh có kích cỡ tương đương ổ bánh mì bột chua cùng một trái tim nhân tạo được nuôi dưỡng từ tế bào gốc chỉ là đôi ba trong muôn vàn điểm nhấn tương lai tại Triển lãm Thế Giới 2025, diễn ra trên một khoảnh đất mênh mông ven hải cảng Đại Phản. Sự kiện quy tụ hơn 160 quốc gia, lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Các gian triển lãm – mỗi nơi mang kiến trúc lạ lùng hơn chỗ trước – đều được bao bọc bởi một công trình gỗ vĩ đại nhất hoàn cầu: một “Vòng Tròn Vĩ Đại” với hình thể lưới, tượng trưng cho khát vọng đoàn kết nhân loại.
Thế nhưng, giữa thời cuộc loạn lạc với các xung đột quốc tế và chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, ước vọng ấy xem ra đang gặp thách thức lớn.
Tại gian triển lãm của Ukraine, một tấm bảng vàng-xanh nổi bật dòng chữ “Không Bán” – một thông điệp phản kháng mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy gửi tới Liên bang Nga, quốc gia đã không tham gia kỳ triển lãm lần này.
Ông Yahel Vilan, người phụ trách gian trưng bày nhỏ của Do Thái, nơi có một viên đá từ Bức Tường Phía Tây tại Gia Liêm (Jerusalem), tuyên bố với AFP: “Chúng tôi đến đây với thông điệp hòa bình.” Ông nhấn mạnh Do Thái không lợi dụng dịp này để mưu đồ chính trị. Dẫu cũng có một gian triển lãm của Palestine, song nó chưa được khai mở trong buổi họp báo hôm thứ Tư.
Gian hàng đầy uy thế của Hoa Kỳ phô diễn các địa danh phong phú của nền kinh tế lớn nhất địa cầu, cùng kỹ nghệ trí tuệ nhân tạo và không gian – nổi bật là một màn phóng tên lửa mô phỏng, với các cột khói khô phun thẳng lên đầu quan khách.
Dạo bước trên “con lộ trên không” chạy vòng quanh Vòng Tròn Vĩ Đại, khách tham quan có thể ghé qua một băng chuyền sushi dài nhất thế giới, hoặc diện kiến linh vật nhiều nhãn Myaku-Myaku của kỳ triển lãm.
Một số triển lãm khác cũng khiến người ta phải trố mắt: từ ba mươi hai pho tượng Hello Kitty khoác lên mình các loài tảo khác nhau nhằm nhấn mạnh tiềm năng của thực vật nhầy nhụa, cho đến một “máy giặt người” phản ánh hình ảnh dựa trên nhịp tim kẻ đang tắm.
Không chỉ thế, người ta còn được chứng kiến trình diễn các loại phương tiện bay như drone, và đặc biệt là lần đầu tiên ra mắt một trái tim nhân tạo làm từ tế bào gốc đa năng (iPS) – “một trái tim biết đập,” theo lời ông Byron Russel của Pasona Group, đơn vị tổ chức gian hàng ấy.
“Chúng tôi đã biến tế bào gốc người thành tế bào cơ tim, rồi nuôi dưỡng để thành hình trái tim,” ông cho hay. Tuy nhiên, trái tim ấy không đập mãi mãi suốt thời gian triển lãm mà được thay thế định kỳ mỗi tuần lễ.
Chủ đề bền vững bao trùm toàn sự kiện, điển hình như gian Thụy Sĩ có hình quả cầu, với mục tiêu giảm thiểu dấu chân sinh thái đến mức thấp nhất.
Dẫu vậy, các kỳ triển lãm Thế Giới vẫn bị chỉ trích bởi tính chất tạm bợ. Sau tháng Mười, hòn đảo nhân tạo tại Đại Phản sẽ bị phá bỏ để dọn chỗ cho khu nghỉ dưỡng sòng bài. Theo báo chí Nhật, chỉ 12,5% diện tích Vòng Tròn Vĩ Đại sẽ được tái sử dụng.
Doanh thu vé không như kỳ vọng
Triển lãm Thế Giới, hay World Expo, là một sự kiện có từ thời Đế quốc Anh, nơi từng dựng nên Cung Pha Lê tại Luân Đôn năm 1851, và sau này mang Tháp Eiffel đến với Ba Lê (Paris). Sự kiện được tổ chức mỗi năm năm lần.
Phiên bản năm 2020 tại Đỗ Bai (Dubai) đã phải dời lại vì đại dịch cúm Tàu. Ban tổ chức Đại Phản Expo khẳng định triển lãm lần này nhằm “hàn gắn những kết nối cần thiết” và “xây nền một tương lai tươi sáng hơn.”
Đại Phản từng tổ chức Expo vào năm 1970, khi Nhật Bản đang phồn thịnh và là đầu tàu kỹ nghệ Á châu. Triển lãm năm đó đón 64 triệu lượt khách – kỷ lục cho đến khi Thượng Hải vượt qua vào năm 2010.
Nay, sau 55 năm, Nhật Bản không còn là nơi khởi phát xu thế, và khảo sát cho thấy dân chúng ít quan tâm đến Expo. Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ mới có 8,7 triệu vé được bán ra, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 14 triệu vé.
“Lạm phát hiện gây nhiều lo ngại, nhất là đối với giới trẻ,” ông Yani Karavasilev thuộc viện nghiên cứu APIR nói với AFP. Trong khi đó, làn sóng du lịch kỷ lục khiến việc tìm chỗ nghỉ tại Đại Phản – gần cố đô Kinh Đô và khu giải trí Universal Studios – trở thành điều xa xỉ.
Ngoài ra, sự vắng bóng các bài viết lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến Expo năm nay thiếu sức hút. “Chúng tôi tin rằng nếu số lượng bài đăng trên mạng tăng lên, doanh số vé cũng sẽ khởi sắc,” ông Karavasilev nói thêm.
© AFP